CSGT xử phạt nồng độ cồn: ‘Mong đừng gây phiền hà cho dân!’

Thấy CSGT TP.HCM xử phạt nồng độ cồn bằng cách đo định tính hàng ngàn người nhưng chỉ xác định vài trường hợp vi phạm, nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến mong lực lượng CSGT làm nghiêm, xử phạt mạnh việc uống rượu bia vẫn lái xe nhưng ‘đừng gây phiền hà cho dân’.

Như Thanh Niên đã thông tin, từ 24.11 tới tết, CSGT TP.HCM tổng kiểm soát nồng độ cồn nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Bằng cách phối hợp các đội/trạm CSGT thành các cụm từ 10 – 20 CSGT tham gia mỗi ca kiểm tra nồng độ cồn cả ban ngày lẫn ban đêm trên toàn thành phố.

Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Phòng PC08 cho biết đã điều chỉnh phương án đo nồng độ cồn ban ngày. Còn buổi tối, các cụm phối hợp vẫn lập chốt kiểm tra nồng độ cồn theo kế hoạch ban đầu.

CSGT xử phạt nồng độ cồn: 'Đừng gây phiền hà cho dân' - Ảnh 1.

CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn định tính hàng chục ngàn trường hợp trong 10 ngày qua

Theo đó, CSGT sẽ mời người đi đường thổi vào máy đo nồng độ cồn định tính, nếu máy báo “có cồn”, CSGT tiếp tục mời người đi đường thổi vào máy đo nồng độ cồn định lượng để xác định mức độ vi phạm. Với cách làm này, mỗi cụm CSGT có thể tổng kiểm soát hơn 1.000 người đi đường mỗi tối.

“Tốn sức, phiền hà”

Theo số liệu của PV, 1 ca tổng kiểm soát kéo dài từ 20 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau, CSGT đã mời hơn 1.200 người thổi vào máy đo nồng độ cồn định tính, xác định được 9 người vi phạm. Sau 10 ngày thực hiện, CSGT tổng kiểm soát gần 55.000 trường hợp và xác định hơn 1.600 trường hợp vi phạm.

Nhiều bạn đọc Thanh Niên “giật mình” về các con số này và nhận xét cách kiểm tra này quá dàn trải, máy móc. Đặc biệt khi rất nhiều người đi đường được mời kiểm tra nồng độ cồn vào giữa trưa.

CSGT xử phạt nồng độ cồn: 'Đừng gây phiền hà cho dân' - Ảnh 2.

Cả ca kiểm soát ban ngày dài 6 tiếng, tổ công tác gồm 3 đội CSGT mời hàng trăm người thổi nồng độ cồn, xác định 1 trường hợp vi phạm

Bạn đọc Minh Pham Kim ý kiến: “Đồng tình với lập chốt kiểm tra vào buổi tối, còn ban ngày chỉ khi phát hiện có biểu hiện say xỉn thì mới kiểm tra, mới sáng sớm lo đi làm kiếm cơm chứ ai đâu mà nhậu mà chặn hàng loạt người vô kiểm tra tôi thấy không hợp tình hợp lý làm trễ nãy giờ giấc đi làm gây thêm phiền hà”.

Bạn đọc Lộc Trương bày tỏ: “Hơi thái quá khi kiểm tra độ cồn vào giữa trưa, phải tầm 3 – 4 giờ chiều thì hợp lý hơn, làm sáng sớm vậy rất phiền toái, cản trở người dân. Giờ đó chẳng ai nhậu, mà có dính phạt thì cũng là bia rượu từ hôm qua còn dư lượng, bất cập quá”.

Bạn đọc N.T thì cho rằng kiểm tra nồng độ cồn như hiện nay gây quá nhiều phiền hà cho người dân, một số thời điểm còn ùn xe. “Thế cố tình dừng đo mà người dân không nhậu lại gây ảnh hưởng để người dân vào ca trễ, CSGT có chịu trách nhiệm không? Nếu CSGT chịu trách nhiệm trả tiền khi ảnh hưởng việc làm thì người dân chấp nhận kiểm tra”, bạn đọc N.T viết.

CSGT xử phạt nồng độ cồn: 'Đừng gây phiền hà cho dân' - Ảnh 3.

Bạn đọc cho rằng nhiều người vô can bị chặn xe thổi nồng độ cồn là tốn sức, gây phiền hà

Bạn đọc Phùng Quang Huy bình luận: “9/1.200, tương đương 0,75%. Tôi thấy cần có cách làm khác chứ hơn 99% người vô can cứ bị chặn xe lại vậy tốn công tốn sức, gây phiền hà chắc cũng không ít. Cứ phạt thật nặng, lập chốt chặn 2 đầu khúc nào tập trung quán nhậu nhiều mà kiểm tra kiểm soát chứ chỉ vì vài trường hợp vi phạm mà phiền hết cả số đông còn lại thì bất cập quá”.

Nên cho giới hạn nồng độ cồn

Thực tế, nhiều người vi phạm nồng độ cồn ở mức dưới 0,1 mg/lít khí thở cho biết uống 1 ly bia vào bữa cơm trưa cũng bị phạt nồng độ cồn. Tại bến xe, một số tài xế nhậu từ tối hôm trước, sáng ra vẫn bị phạt vì còn nồng độ cồn trong hơi thở.

Xem nhanh 12h ngày 6.12: Thời sự toàn cảnh

Bạn đọc Nguyễn Hiếu cho rằng nên có quy định nồng độ cồn bao nhiêu mới bị phạt. “Tôi có thói quen mỗi ngày uống 1 lon bia cho dễ tiêu hóa. Vậy mà cũng bị phạt vì có nồng độ. Tư duy của chúng ta trước khi làm là phải tính toán trước sau, chứ đừng làm cảm tính, đến khi bị người dân phản ứng quá thì mới thay đổi, bổ sung, chỉnh sửa”, bạn đọc Nguyễn Hiếu viết.

CSGT xử phạt nồng độ cồn: 'Đừng gây phiền hà cho dân' - Ảnh 4.

Nhiều người cũng đề xuất cần có giới hạn nồng độ cồn

Độc Lập

Bạn đọc có nickname Quá Rảnh nêu quan điểm, ủng hộ quy định đã uống rượu bia không lái xe, ủng hộ cả việc CSGT lập nhiều chốt thổi nồng độ cồn, nhưng không ủng hộ việc chỉ không xử phạt khi nồng độ cồn bằng 0 mà nên có một giới hạn nhất định.

“Trong cuộc sống biết bao nhiêu mối quan hệ, hôm trước phải tiếp đối tác, chỉ uống chút xíu vài ly. Hôm sau sếp điều đi công chuyện vậy tự dưng tôi bị phạt vì ly bia, ly rượu hôm trước. Đề nghị có thống kê giữa việc nồng độ cồn bằng bằng 0 và nồng độ cồn 0,02 gây bao nhiêu vụ tai nạn để có mức ngưỡng phù hợp”, bạn đọc Quá Rảnh nêu.

Bạn đọc Phùng Nguyễn Văn cũng đồng ý đo nồng độ cồn để phạt nếu vi phạm, nhưng anh cho rằng nên có một giới hạn đo nồng độ cồn và vượt quá mức đó mới nên xử phạt.

“Phạt ở mức trên 0 là vô lý quá, không thuyết phục”, bạn đọc bày tỏ.

Đo nồng độ cồn định tính (hay còn gọi đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế): người đo thổi 1 hơi hoặc đếm từ 1 – 5 vào phễu đo đặt cách miệng 10 – 20 cm. Máy đo sẽ hiển thị kết quả “có cồn” hoặc “không có cồn”. CSGT không thay phễu sau mỗi lượt thổi.

Đo nồng độ cồn định lượng: người đo ngậm ống, thổi 1 hơi dài liên tục. Máy đo sẽ hiển thị kết quả cụ thể mức nồng độ cồn trong hơi thở (mg/lít khí thở). Với hình thức đo này, CSGT thay ống mới cho từng người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *