UBND TP Cần Thơ ký kết, trao hơn 40 chủ trương đầu tư, ghi nhớ; trong đó, 20 dự án được công bố có tổng vốn hơn 110.000 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025.
Việc ký kết diễn ra tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ ngày 10/12, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Tham dự hội nghị có lãnh đạo nhiều bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long cùng 700 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Có 56 dự án được Cần Thơ kêu gọi đầu tư giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030, trên các lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; thương mại – dịch vụ – du lịch; phát triển đô thị; giao thông vận tải; xử lý nước thải; y tế; giáo dục; văn hóa…
UBND TP Cần Thơ đã ký kết, trao hơn 40 quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ. Trong đó, 20 dự án được công bố với tổng vốn đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng. Số còn lại trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư.
Trong số này, có các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ở huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Ô Môn, Cái Răng… với tổng diện tích khoảng 3.000 ha, tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng; khu phức hợp thể thao, vui chơi, giải trí… 1,4 tỷ USD; nhà máy điện sinh khối 6.000 tỷ đồng; dự án xử lý nước thải 3.050 tỷ đồng; nhà máy xử lý rác 3.250 tỷ đồng…
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, Cần Thơ có vị trí chiến lược, là trung tầm đầu mối của vùng, cần chủ động, vận dụng nguồn lực con người, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực phát triển.
“Đồng thời, địa phương chú trọng phát huy lợi thế hệ thống giao thông kết nối tạo ra không gian phát triển mới, khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch làm gia tăng giá trị của tài nguyên đất, nước” người đứng đầu Chính phủ nói, yêu cầu Cần Thơ đẩy mạnh hơn cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thuận lợi, kêu gọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước…
Thủ tướng cũng đề nghị thủ phủ miền Tây mạnh dạn vay quỹ đầu tư để có thêm nguồn lực; đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi, đặc thù để phục vụ phát triển. Đồng thời, địa phương phải tập trung giải phóng tốt mặt bằng, chăm lo tốt cho đời sống người dân trong vùng ảnh hưởng các dự án…
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các nhà đầu tư đã cam kết thì phải thực hiện nghiêm túc, tạo ra sản phẩm của cải vật chất, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết thành phố cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất biến ý tưởng khả thi của các nhà đầu tư và các mục tiêu trong quy hoạch thành phố sớm thành hiện thực.
Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt hôm 2/12. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch TP Cần Thơ bao gồm toàn bộ tổng diện tích tự nhiên của thành phố với hơn 1.440 km2, gồm chín đơn vị hành chính cấp huyện (5 quận, 4 huyện).
Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2030 là cực tăng trưởng của Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố sẽ là trung tâm đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng…
Thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 7,5-8%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 220 triệu đồng… Dân số tăng bình quân khoảng 0,67%/năm; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%…