Đại sứ Phạm Sao Mai nói rằng Việt Nam sẽ dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sự tiếp đón đặc biệt trong chuyến thăm vào tuần tới.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhận định chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tạo thêm động lực và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện. Đại sứ nhấn mạnh chuyến thăm diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm xác lập mối quan hệ này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam ngày 12-13/12 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân. Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc.
“Kế thừa truyền thống hữu nghị và thông lệ giữa hai bên, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm, sẽ dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sự tiếp đón đặc biệt, thắm tình hữu nghị, đồng chí anh em”, Đại sứ Phạm Sao Mai nói.
Nói về điểm nhấn ấn tượng nhất trong quan hệ Việt – Trung thời gian qua, Đại sứ Phạm Sao Mai khẳng định chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 đã tạo xung lực mạnh mẽ cho quan hệ song phương.
Nhiều hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao đã diễn ra gần đây. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai năm nay đã có một số chuyến thăm và công tác tại Trung Quốc.
Hợp tác kinh tế – thương mại tiếp tục là điểm sáng. Trong bối cảnh thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác đều giảm, Việt Nam là một trong số ít các đối tác vẫn giữ ổn định thương mại với Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều 10 tháng đầu năm đạt 139,2 tỷ USD. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới.
Về đầu tư, 11 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 3,06 tỷ USD, đứng thứ tư và chiếm 18,7% tổng số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới, song dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 22,1%).
Hợp tác trong các lĩnh vực khác như du lịch, văn hóa, giáo dục tiếp tục đạt nhiều tiến triển. Trung Quốc cơ bản khôi phục các chuyến bay thương mại với Việt Nam, hiện mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước. Trong 11 tháng đầu năm 2023, có 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam. Trung Quốc đã triển khai cấp lại thị thực cho lưu học sinh và người lao động Việt Nam quay trở lại Trung Quốc.
Biên giới trên bộ Việt – Trung duy trì hòa bình, ổn định. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ, xử lý thỏa đáng vấn đề nảy sinh trên cơ sở 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền.
Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ song phương trong thời gian tới, hai nước cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cũng như các thỏa thuận song phương, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị; cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực.
“Trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới”, Đại sứ nhận định.