‘Vận hành đoạn trên cao đường sắt Nhổn – ga Hà Nội cuối năm 2023’

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm vướng mắc, đưa đoạn trên cao đường sắt Nhổn – ga Hà Nội vào khai thác cuối năm 2023.

Văn phòng Chính phủ ngày 7/8 thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án trọng điểm ngành giao thông. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu chủ tịch UBND TP HCM đưa tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên vào khai thác đầu năm 2024.

Hà Nội, TP HCM phải huy động mọi nguồn lực đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn – Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy – ga Hà Nội) dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của toàn tuyến dự kiến là 2027.

Hồi tháng 3, thành phố Hà Nội đề xuất vận hành đoạn trên cao vào tháng 8/2023 thay vì cuối năm 2022 như cam kết trước đó. Tuy nhiên, đến nay tàu vẫn chưa chạy ở đoạn trên cao.

Metro Bến Thành – Suối Tiên có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km từ depot Long Bình (TP Thủ Đức) đến ga Bến Thành (quận 1). Dự án khởi công năm 2012, kế hoạch ban đầu hoàn thành sau 6 năm, song nhiều lần lùi tiến độ. Công trình dự kiến thi công hoàn thành cuối năm nay và vận hành thương mại từ năm 2024. Tuy nhiên, tuyến Metro này đang thiếu hơn 300 nhân sự vận hành và nhận chuyển giao do công ty quản lý hết kinh phí tuyển dụng.

Tàu Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử ngày 5/12/2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Tàu Nhổn – Ga Hà Nội chạy thử ngày 5/12/2022.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá các dự án thành phần thuộc Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua Hưng Yên và Bắc Ninh “tiến độ triển khai rất chậm”. Hai tỉnh cần nhanh chóng lập thiết kế bản vẽ thi công; phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ; chọn nhà thầu để khởi công các dự án thành phần trên địa bàn trong tháng 9.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa quy định, cho phép 6 tỉnh được nâng công suất mỏ vật liệu còn thời hạn khai thác, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Một số địa phương chưa bàn giao đủ mặt bằng đúng tiến độ để thi công, là điểm nghẽn ảnh hưởng đến các dự án. Vì vậy, Bí thư tỉnh, thành cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên tái định cư cho người dân tại chỗ với điều kiện tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi cũ.

Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư không chia nhỏ gói thầu; không mua thầu, bán thầu.

Đánh Giá Bài Viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *