Bế tắc ở Ukraine giúp Nga chiếm lợi thế trong cuộc xung đột?

Cuộc xung đột ở Ukraine đã đi vào bế tắc, ngay cả các quan chức Ukraine cũng thừa nhận rằng chiến dịch phản công rất được mong đợi không thể đạt được bước đột phá, đẩy Kiev vào thế khó.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang rơi vào bế tắc trên chiến trường. Ảnh: Unian.ua

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang rơi vào bế tắc trên chiến trường. Ảnh: Unian.ua

Theo tờ The Hill (Mỹ), Ukraine hiện phải đối mặt với 2 trận chiến: thuyết phục phương Tây ngày càng hoài nghi tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev và vượt qua tuyến phòng thủ kiên cố của các lực lượng Nga trong bối cảnh bế tắc rõ ràng trên khắp mặt trận phía Đông trải dài khoảng 1000 km.

Như vậy sau gần hai năm xung đột, Ukraine đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong khi chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin chờ đợi các đồng minh phương Tây của Kiev rạn nứt dường như đang phát huy tác dụng.

“Tôi không nghi ngờ về việc chúng ta chắc chắn sẽ đạt được tất cả các mục tiêu đã đặt ra”, ông Putin tự tin nói với các binh sĩ Nga cuối tuần trước tại một sự kiện mà ông cũng tuyên bố sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2024.

Sau khi cuộc phản công mùa hè năm nay của Ukraine chậm lại trong vài tháng qua, giao tranh đã chuyển sang cuộc tấn công theo hai hướng của Nga ở khu vực đông bắc Luhansk và phía đông Donetsk.

Federico Borsari, chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), nhận định rằng có thể Nga đang tìm cách liên tục gây áp lực lên Ukraine để làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của nước này.

Chuyên gia Borsari lưu ý rằng điều đó “là một vấn đề lớn” bởi vì Nga “hiện có thể sử dụng các nguồn lực, chiến lược và chiến thuật tinh tế hơn”, chẳng hạn như làm suy yếu sự hỗ trợ của phương Tây.

Nga hiện có quy mô quân số lớn hơn nhiều so với Ukraine, gần đây đã chuyển sang tăng quy mô thêm 170.000 lên khoảng 2,2 triệu quân. Tổng thống Putin cũng đã ký thành luật một biện pháp nhằm tăng ngân sách quân sự của Nga thêm 25% trong ba năm tới.

Về phần mình, Michael Allen, Giám đốc điều hành tại Beacon Global Strategy, một công ty tư vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết Nga hiện đang ở “vị thế tốt”. Ông Allen nói: “Tổng thống Nga đang theo dõi chúng tôi và chúng tôi dường như vẫn bị chia rẽ hơn bao giờ hết”.

Do đó, vài tháng tới khó có thể tạo ra bất kỳ kết quả đáng ngạc nhiên nào, nhưng Ukraine có thể duy trì các vị trí phòng thủ, mua vũ khí mới và thử một cuộc phản công khác vào mùa xuân. Tất nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc phần lớn vào đợt hỗ trợ mới của Mỹ, hiện đang bị sa lầy trong các cuộc đàm phán biên giới tại Thượng viện.

Kathleen McInnis, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng điều quan trọng đối với Ukraine là phải nhận thêm pháo tầm xa và thiết bị rà phá bom mìn trước chiến dịch tiếp theo, nhưng lưu ý rằng sẽ khó để bất kỳ quân đội phương Tây nào có thể xuyên thủng được phòng tuyến kiên cố của Nga.

Theo bà McInnis, điều quan trọng là Kiev cần đánh giá lại chiến lược của mình vì cuộc phản công mùa hè đã chứng kiến quân đội Ukraine phải vật lộn để chiến đấu tập trung vào ba điểm của phòng tuyến – gần thành phố Bakhmut bị phá hủy, khu vực phía nam Zaporizhzhia và phía nam Donetsk. Bà nói thêm: “Sẽ hết sức thận trọng khi đánh giá lại chiến lược và tìm ra nơi có thể có những lỗ hổng khác nhau trong phòng tuyến của Nga mà các lực lượng Ukraine có thể khai thác và tận dụng”.

Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc phản công mùa hè đã làm dấy lên hy vọng về một bước đột phá lớn, khi các đồng minh phương Tây đặt cược rằng lực lượng Ukraine có thể tiếp cận Biển Azov và cắt đứt cây cầu quan trọng của Nga nối với Bán đảo Crimea.

Nhưng mục tiêu đó đã không thành hiện thực khi Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với hãng tin AP rằng quân đội Ukraine không đạt được “kết quả mong muốn” sau cuộc phản công, vì Kiev không có đủ vũ khí cần thiết cho chiến dịch. Mặc dù vậy, Tổng thống Zelensky cho biết ông vẫn “hài lòng” với các lực lượng vũ trang Ukraine trong cuộc đối đầu với một trong những đội quân lớn nhất thế giới.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc phản công thất bại vì một số yếu tố: quân đội Nga với quân số áp đảo có thời gian củng cố tuyến phòng thủ, Ukraine thiếu ưu thế trên không và việc cung cấp vũ khí cần thiết từ phương Tây chậm trễ.

Các nhà phân tích lưu ý thêm rằng Ukraine cũng phải vật lộn với các chiến thuật chiến tranh phức tạp hơn, như điều động, triển khai chiến đấu quân binh chủng phối kết hợp (binh chủng hợp thành), với việc tích hợp bộ binh và thiết giáp. Những thách thức khác bao gồm khả năng tương tác với nhiều loại thiết bị từ nhiều quốc gia khác nhau.

Thời gian tới, Ukraine đang hy vọng được bổ sung lớn về vũ khí. Các phi công Ukraine đang huấn luyện trên F-16, loại máy bay chiến đấu được họ yêu cầu từ lâu, có thể sẵn sàng cho một cuộc tấn công mùa xuân. Theo Reuters, việc tăng cường sức mạnh không quân là thành phần chính còn thiếu trong cuộc phản công vừa qua và Ukraine cũng muốn có trực thăng và các máy bay khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *